[Kiến thức] Tìm hiểu về ý nghĩa của Màu sắc trong thiết kế nội thất
14/06/2023
Có bao giờ bạn đã từng thắc mắc màu sắc trong thiết kế nội thất có vai trò, tác dụng ra sao và tầm quan trọng của việc chọn lựa màu sắc phù hợp? Trên thực tế, màu sắc như “công cụ” bổ trợ cho không gian sống thêm phần hoàn mỹ, đánh bật phong cách và thể hiện gu thẩm mỹ của gia chủ. Việc lựa chọn màu sắc trông như có vẻ đơn giản nhưng thật ra lại phức tạp hơn bạn nghĩ. Bởi lẽ, trong một không gian không chỉ xuất hiện đúng một màu, và mỗi màu lại có dải sắc độ khác nhau, trải dài từ đậm đến nhạt, từ tối đến sáng và mang những ý nghĩa riêng biệt. Vậy đâu sẽ là màu sắc phù hợp cho tổ ấm của bạn, cùng tìm hiểu với Decox nhé.
Vai trò của màu sắc trong thiết kế nội thất
Một ngôi nhà được đánh giá là đẹp cần xét trên nhiều tiêu chí, khía cạnh từ sự kết nối giữa nội - ngoại thất đến sự tương đồng, hài hòa giữa các yếu tố bên trong không gian từ màu sắc trong thiết kế nội thất, ánh sáng, vật dụng nội thất, đồ trang trí và cả cách tổ chức, bố cục không gian. Tất cả mọi thứ đều được “cân đo đong đếm” sao cho đạt được tỷ lệ hài hòa nhất để đảm bảo tính thẩm mỹ nhưng vẫn đảm bảo tính tiện nghi và đáp ứng sự thoải mái trong sinh hoạt.
Theo các nghiên cứu khoa học, màu sắc không chỉ quyết định vẻ đẹp tổ ấm mà còn có liên quan mật thiết về vấn đề tâm lý học, ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ, cảm xúc của con người. Bởi khi mắt người nhìn vào một màu sắc cụ thể, đôi mắt sẽ truyền tín hiệu liên lạc với vùng não dưới đồi, gửi một chuỗi các tín hiệu đến tuyến yên, vào hệ thống nội tiết và tuyến giáp, cuối cùng sẽ tiết ra các hormone tác động đến tâm trạng, cảm xúc và hành vi con người.
Qua đó có thể thấy màu sắc thật sự quan trọng trong thiết kế nội thất và thành công của một công trình sẽ phụ thuộc vào cách mà chúng ta vận dụng màu sắc ĐÚNG theo bối cảnh, theo đối tượng và theo mục đích sử dụng.
Tác động của màu sắc trong thiết kế nội thất
Trước khi tìm hiểu sâu vào ý nghĩa của từng gam màu cũng như nguyên tắc phối màu phù hợp theo từng không gian, hãy cùng tìm hiểu sức ảnh hưởng của màu sắc đối với thiết kế nội thất để tránh “vấp phải” những sai lầm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ trong toàn tổng thể.
Màu sắc điều chỉnh không gian
Tại sao nói màu sắc có thể điều chỉnh không gian? Trên thực tế, dù vẫn diện tích như thế nhưng nếu bạn sử dụng những gam màu tươi sáng sẽ tác động đến thị giác, giúp căn phòng trông như được “cơi nới”, mở rộng thêm. Đây cũng chính là giải pháp thường được các KTS áp dụng trong những căn nhà có diện tích khiêm tốn để tạo cảm giác thoải mái, thông thoáng trong sinh hoạt. Và ngược lại những gam màu u tối, trầm buồn sẽ ảnh hưởng đến cảm giác, khiến không gian như bị thu nhỏ và chật hẹp hơn so với diện tích thực.
Màu sắc giúp phân chia không gian
Ngày nay, thiết kế nội thất thường hạn chế các bức tường, vách ngăn giữa các phòng, khu vực để tối ưu trải nghiệm cũng như tiện ích sử dụng, tăng tầm nhìn và tạo sự rộng thoáng cho không gian. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể phân định chức năng của từng khu vực thông qua những mảng màu đậm nhạt được phối trộn đầy khéo léo từ màu tường, sàn cho đến đồ nội thất.
Màu sắc tạo điểm nhấn trong không gian
Màu sắc còn có vai trò quan trọng trong việc tạo điểm nhấn cho không gian, thu hút thị giác người nhìn và giúp căn nhà trở nên sinh động, có cá tính hơn. Thông thường, những gam màu tác dụng nhấn điểm sẽ có sắc thái rực rỡ, nổi bật và không chiếm tỷ lệ vượt quá 10% trong không gian. Việc vận dụng màu sắc nhấn điểm cũng vô cùng linh hoạt, đó có thể là một bức tranh nghệ thuật đầy sắc màu, một món đồ nội thất có màu sắc nổi trội so với phần còn lại…
Màu sắc mang lại sự hoàn thiện cho tổng thể
Và cuối cùng, màu sắc chính là mảnh ghép còn thiếu cho một không gian sống hoàn thiện, thẩm mỹ và tinh tế. Sự phối trộn hài hòa giữa màu tường, màu sàn, màu nội thất kết hợp cùng sự bổ trợ của ánh sáng sẽ là “chìa khóa” để mở ra một thiết kế có gu.
4 nguyên tắc phối màu sắc trong thiết kế nội thất phổ biến
#1 Nguyên tắc màu sắc 60 - 30 -10 trong thiết kế nội thất
Đây là nguyên tắc phối màu sắc thường được áp dụng trong thiết kế nội thất, nằm trong vùng an toàn và không đòi hỏi kỹ thuật quá cao. Việc của bạn là cần xác định rõ 3 thành phần màu sắc bao gồm: gam màu chủ đạo, màu của nội thất và màu điểm nhấn, sau đó áp dụng định lý 6-3-1. Trong đó, 60% sẽ là tỷ lệ màu chủ đạo chiếm trên tổng diện tích căn phòng, 30% là màu thứ cấp (thường là màu nội thất) và 10% màu điểm nhấn.
Thông thường màu chủ đạo sẽ rơi vào những gam màu trung tính hay pastel nhẹ nhàng, dễ làm nền và tôn lên các chi tiết màu sắc khác, còn màu nội thất sẽ đậm hơn một chút và nổi bật nhất vẫn là gam màu có tác dụng nhấn điểm không gian.
Lấy ví dụ như trong mẫu thiết kế phòng khách dưới đây, có thể thấy màu trắng sẽ là màu chủ đạo được dùng ở màu sơn trần và tường, tiếp đến màu ghi được sử dụng trên đồ nội thất (ghế sofa, rèm cửa), còn màu bức tranh với tone màu rực rỡ, hút mắt sẽ đóng vai trò là màu sắc nhấn điểm không gian.
#2 Nguyên tắc màu sắc đối lập giữa màu nóng và màu lạnh
Màu sắc trong thiết kế nội thất nhìn chung sẽ được chia thành 2 nhóm màu: màu nóng và màu lạnh. Bạn có thể dễ dàng nhận biết đâu là màu nóng đâu là màng lạnh thông qua bánh xe màu sắc. Trong đó, màu nóng sẽ là những gam màu rực rỡ có xu hướng mang lại cảm giác lạc quan và hứng khởi như màu đỏ, cam, vàng,... Còn màu lạnh như xanh dương, xanh lá, tím, xám… sẽ cho bạn cảm giác mát mẻ và bình yên.
Tùy theo mục đích sử dụng và không gian cụ thể mà KTS sẽ quyết định tông màu phù hợp, bởi mỗi gam màu sẽ có ý nghĩa cũng như nguồn năng lượng khác nhau. Cụ thể, màu nóng với nguồn năng lượng tươi mới, tích cực sẽ thường được khuyên sử dụng trong các không gian giải trí. Còn màu lạnh với năng lượng nhẹ nhàng, yên ả sẽ rất phù hợp với những không gian cần sự yên tĩnh, tập trung như phòng ngủ hay phòng làm việc.
#3 Nguyên tắc phối màu bổ sung
Nguyên tắc phối màu sắc bổ sung là nguyên tắc kết hợp cặp màu sắc đối xứng trên bánh xe màu sắc. Nếu nguyên tắc 6-3-1 là nguyên tắc có độ an toàn cao, phù hợp với thị hiếu đại đa số gia chủ thì nguyên tắc phối màu bổ sung lại được đánh giá là đơn giản nhất. Bạn chỉ cần chọn 2 màu sắc đối diện nhau như xanh dương - cam, vàng - tím, đỏ - xanh lá cây là đã có thể cho ra một không gian nội thất mang lại hiệu quả tốt về mặt thị giác mà không cần phải đắn đo quá nhiều.
Tuy mang đến hiệu ứng cực tốt trong việc kích thích thị giác và thu hút ánh nhìn, thế nhưng đa phần đây đều là những cặp màu có độ tương phản cao, mang sắc thái rực rỡ, nổi bật. Bởi lẽ đó bạn cần lưu ý trong tỷ lệ, tốt nhất chỉ nên sử dụng ở một mức nhỏ và dùng làm gam màu nhấn điểm cho không gian, và cân bằng thêm cùng những gam màu trung tính làm nền.
#4 Nguyên tắc phối màu tương tự
Để có thể áp dụng nguyên tắc này, đầu tiên bạn cần chọn một màu sắc làm màu trung tâm, sau đó kết hợp cùng 2 màu sắc bên cạnh trên bánh xe màu sắc. Trong 3 màu sắc sử dụng sẽ có 1 màu là sự pha trộn của 2 màu còn lại. Những gam màu có phần tương tự về sắc thái sẽ mang đến một tổng thể đa dạng về mặt thị giác.
Tuy nhiên, để đạt được độ thẩm mỹ cao cũng như tạo sự thoải mái trong sinh hoạt khi phối màu sắc trong thiết kế nội thất theo nguyên tắc tương tự bạn hãy đảm bảo sự cân bằng và hài hòa trong tỷ lệ các gam màu. Lúc này vận dụng kèm nguyên tắc 6-3-1 sẽ là một gợi ý hay để các gam màu nằm trong sự kiểm soát của bạn.
Bên cạnh bảng màu thể hiện trên bánh xe màu sắc thì 3 gam màu trung tính huyền thoại: đen - xám - trắng cũng là một gợi ý hay cho những gia chủ thích sự tối giản, cá tính và hiện đại trong thiết kế.
Bên cạnh bảng màu thể hiện trên bánh xe màu sắc thì 3 gam màu trung tính huyền thoại: đen - xám - trắng cũng là một gợi ý hay cho những gia chủ thích sự tối giản, cá tính và hiện đại trong thiết kế.